CHỈ SỐ BMI (BODY MASS INDEX) – CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG CƠ THỂ

Bạn có biết rằng, ngoài những lo lắng về vóc dáng, thừa cân còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe tim mạch, tiểu đường, và thậm chí cả ung thư? Để hiểu rõ hơn về tình trạng cơ thể, có nhiều cách đánh giá như đo lớp mỡ dưới da hay tỉ lệ mỡ. Tuy nhiên, phương pháp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rộng rãi nhất chính là dựa vào chỉ số BMI. Cùng khám phá cách đo và tính toán chỉ số BMI theo hướng dẫn từ Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia ngay dưới đây nhé!

Định nghĩa và công thức tính BMI

BMI (Body Mass Index) là chỉ số khối cơ thể, được sử dụng rộng rãi để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của một cá nhân dựa trên cân nặng và chiều cao. Thước đo này phù hợp để đánh giá cho người trưởng thành. Khi hiểu về chỉ số BMI sẽ giúp bạn đánh giá nhanh tình trạng dinh dưỡng, dự báo nguy cơ bệnh mạn tính, định hướng và theo dõi hiệu quả điều chỉnh lối sống, đồng thời cảnh báo và tạo động lực duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Công thức tính BMI:

BMI = Cân nặng (kg) ÷ [Chiều cao (m)x Chiều cao (m)]

Ví dụ, nếu bạn cao 1,65 m và nặng 60 kg thì:

BMI = 60 ÷ (1,65x1,65) ≈ 22,04

Phân loại mức BMI theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Ảnh hưởng của từng mức BMI đến sức khỏe

1. Thiếu cân (BMI < 18,5)

o Ảnh hưởng: Giảm sức đề kháng, dễ mệt mỏi, rối loạn nội tiết, loãng xương, thiếu hụt dinh dưỡng.

o Nguyên nhân thường gặp: Chế độ ăn không đủ năng lượng, rối loạn ăn uống, bệnh lý mạn tính.

2. Bình thường (BMI 18,5 – 24,9)

o Ảnh hưởng: Được coi là phạm vi lý tưởng, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao.

o Lời khuyên từ MEDiCARE: Duy trì thói quen ăn uống cân bằng, vận động đều đặn và kiểm soát stress.

3. Thừa cân (BMI 25,0 – 29,9)

o Ảnh hưởng: Tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường type 2), huyết áp cao, mỡ máu, bệnh tim mạch.

o Lời khuyên từ MEDiCARE: Điều chỉnh khẩu phần ăn (giảm tinh bột, tăng rau xanh, protein nạc), tăng cường vận động (tối thiểu 150 phút tập thể dục/tuần), theo dõi cân nặng định kỳ.

4. Béo phì độ I (BMI 30,0 – 34,9)

o Ảnh hưởng: Nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính: tiểu đường, tim mạch, viêm khớp, rối loạn hô hấp (ngưng thở khi ngủ).

o Lời khuyên từ MEDiCARE: Thực hiện kế hoạch giảm cân dưới sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng – bao gồm chế độ ăn giảm calo nghiêm ngặt, chương trình tập luyện kết hợp cardio và sức mạnh.

5. Béo phì độ II & III (BMI ≥ 35,0)

o Ảnh hưởng: Phát sinh biến chứng nghiêm trọng: xơ vữa động mạch, đột quỵ, suy tim, ung thư liên quan béo phì, thoái hóa khớp nặng.

o Lời khuyên từ MEDiCARE: Cần can thiệp y tế toàn diện: phối hợp giảm cân bằng thuốc, điều chỉnh lối sống, thậm chí xem xét phẫu thuật giảm cân (ví dụ: phẫu thuật dạ dày thu nhỏ) khi chỉ số BMI quá cao và có biến chứng nặng.

Một số câu hỏi thường gặp khi tính chỉ số BMI tại nhà 

- Có nên dùng BMI để đánh giá phụ nữ mang thai?

Câu trả lời:M là không nên dùng BMI để đánh giá phụ nữ mang thai vì trong thai kỳ sẽ có các thay đổi về thể trạng và cân nặng, BMI không phù hợp trong giai đoạn này.

- BMI có chính xác với người tập thể hình không?

Câu trả lời: BMI không hoàn toàn chính xác với người tập thể hình, BMI chỉ dựa trên cân nặng tổng và chiều cao, không tách được khối lượng cơ (dày, nặng) và khối lượng mỡ. Người có nhiều cơ bắp dễ có BMI cao trong khi tỉ lệ mỡ cơ thể thấp. Với vận động viên, nên đo tỉ lệ mỡ cơ thể (body fat percentage), chu vi vòng eo, hoặc sử dụng phương pháp DEXA, đo độ dày nếp gấp da để đánh giá chính xác hơn.

-Trẻ em có nên áp dụng BMI không ?

Câu trả lời: Trẻ em từ 0 – 5 tuổi có bộ chỉ số theo dõi riêng theo chỉ số WHO Child Growth Standards (2006) đã bao gồm cả đường cong BMI-for-age từ khi sinh đến 5 tuổi.

Trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi có bộ theo dõi riêng theo WHO Growth Reference 2007, cũng dựa trên BMI-for-age, để đánh giá trẻ em trong độ tuổi đi học và thiếu niên. Ba mẹ có thể sử dụng WHO AnthroPlus – phần mềm miễn phí cung cấp bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO để tính toán và in biểu đồ tăng trưởng cho nhóm 5–19 tuổi.

- BMI cần đo bao nhiêu lâu một lần ?

Câu trả lời: Đo BMI mỗi 3–6 tháng để đánh giá hiệu quả điều chỉnh lối sống và kịp thời có biện pháp phù hợp.

- BMI có thể theo dõi được toàn diện về chỉ số cơ thể của tôi không ?

Câu trả lời: BMI chỉ là số liệu khởi điểm. Duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, hoạt động thể chất và giấc ngủ chất lượng mới giúp cải thiện sức khỏe lâu dài.

Kết luận

Chỉ số BMI là công cụ đơn giản, dễ tính toán và hữu ích để đánh giá nhanh tình trạng cơ thể. Tuy nhiên, để chăm sóc sức khỏe toàn diện, bạn cần kết hợp nhiều chỉ số và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Hãy bắt đầu từ việc thiết lập mục tiêu cân nặng phù hợp, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng cường vận động và thăm khám định kỳ để duy trì cơ thể khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật về lâu dài.